Bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ tái phát cao nếu không dự phòng điều trị.

admin
Thứ Ba, 04/07/2023

Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ từ 15 đến 49 tuổi. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới. Nhiều người dù sống sót sau cơn đột quỵ nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động.

Theo TS.BS. ĐÀO VIỆT PHƯƠNG Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viên Bạch Mai đã chia sẻ rằng: 25% bệnh nhân đột quỵ sẽ tái phát trong 5 năm nếu không được dự phòng.

Sau đột quỵ thiếu máu não và cơn thiếu máu não thoáng quá (TIA), nguy cơ tái phát đột quỵ ngoài điều trị trong 5 năm là 25%, trong đó chủ yếu tái phát trong giai đoạn sớm 10% trong tuần đầu, 15% trong 1 tháng và 18% trong 3 tháng. Việc điều trị dự phòng giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát đột quỵ, lên tới 80%.

Hiểu các yếu tố rủi ro

Có một số yếu tố rủi ro mà chúng ta không thể thay đổi  như tuổi tác, giới tính và chủng tộc…). Nhưng có những yếu tố có thể thay đổi, chẳng hạn như : tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, cholesterol cao, rung nhĩ, các bệnh lý tim mạch và thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đây là những yếu tố mà chúng ta có thể tác động nhằm để giảm tỉ lệ đột quỵ tái phát.

 

Ảnh minh họa: Yếu tố nguy cơ đột quỵ

Dự phòng tái phát đột quỵ là các biện pháp tối ưu hoá điều trị các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não, với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ tái phát đột quỵ não, các nguy cơ biến cố mạch máu nghiêm trọng khác như nhồi máu cơ tim, tắc mạch hoặc tử vong nguyên nhân mạch máu và ngăn chặn biến chứng.

nh minh họa: Các biện pháp giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ

Các biện pháp giúp giảm nguy cơ tái phát đột quỵ: Kiểm tra sức khoẻ thường xuyên giúp phát hiện và kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu....

  • Kiểm soát huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ não. Bằng cách kiểm soát huyết áp, chúng ta có thể giảm 28% nguy cơ bị đột quỵ tái phát. Mục tiêu kiểm soát huyết áp dưới 140/90 mmHg và dưới 130/80 mmHg đối với nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao.
  • Đái tháo đường: Tất cả bệnh nhân đột quỵ não cần được sàng lọc và phát hiện đái tháo đường. Điều trị bao gồm chế độ ăn phù hợp, chế độ tập luyện kết hợp với các thuốc điều trị đái tháo đường. Mục tiêu HbA1C dưới 7% và dự phòng các biến chứng do đái tháo đường.
  • Rối loạn chuyển hoá lipid máu: Kiểm soát tốt tăng Cholesterol máu giúp giảm 16% nguy cơ đột quỵ tái phát. Mục tiêu kiểm soát LDL Cholesterol xuống dưới 70-100 mg/dL.
  • Kiểm soát các bệnh lý kèm theo: Các bệnh lý tim mạch (rung nhĩ, bệnh van tim...), xơ vữa động mạch cảnh, các bệnh lý tăng đông...
  • Thay đổi lối sống: Truyền thông, giáo dục sức khoẻ dự phòng đột quỵ, chế độ ăn lành mạnh, có chế độ tập luyện hợp lý, kiểm soát cân nặng, tránh căng thẳng, bỏ thuốc lá, hạn chế bia, rượu.

Kết luận

Sau khi bị đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nguy cơ bị đột quỵ lần nữa nếu không được điều trị cao tới 25% trong vòng 5 năm. Để giảm nguy cơ tái phát, điều quan trọng là bệnh nhân phải đi khám sức khỏe định kỳ và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ theo hướng dẫn của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Bằng cách thực hiện các bước này, chúng ta có thể giảm nguy cơ bị đột quỵ lần nữa và sống một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Viết bình luận của bạn
icon icon icon icon
1800 585865 - 0919 654189